Tăng sức cạnh tranh ngành logistics Việt Nam

NDĐT – Sự hình thành của hàng loạt các khu dịch vụ logistics hiện đại khắp cả nước đang là minh chứng rõ ràng cho sức hút và tiềm năng phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Tuy nhiên, để ngành này phát triển xứng tầm, vẫn cần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn.

Một góc cảng Nam Đình Vũ – đầu mối vận tải hàng hóa thương mại quốc tế và nội địa quan trọng bậc nhất của toàn miền bắc.

Sức hút đầu tư
Trong năm 2018, Tập đoàn Gemadept và Tập đoàn Sao Đỏ chính thức đưa giai đoạn một của dự án cảng Nam Đình Vũ vào khai thác. Với quy mô 65 ha, tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, tổ hợp bảy bến container tổng hợp – cảng Nam Đình Vũ với tổng chiều dài 1,5 km là cảng lớn nhất khu vực Đình Vũ, Hải Phòng, là đầu mối vận tải hàng hóa thương mại quốc tế và nội địa quan trọng bậc nhất của toàn miền bắc.

Ông Nguyễn Thành Phương – Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ cho biết, tập đoàn này đang đầu tư vào Khu công nghiệp Nam Đình Vũ với quy mô 1.329 ha. Trong đó, có nhiều phân khu chức năng như khu công nghiệp, khu cảng biển và logistics, khu phi thuế quan, khu cảng dầu khí và hàng lỏng… Tất cả các phân khu này giống như dịch vụ liên hoàn, bổ trợ lẫn nhau, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh hoàn chỉnh. “Định hướng phát triển của Hải Phòng đó là biến thành phố thành trung tâm hàng hải logistics của cả phía bắc. Khu công nghiệp Nam Đình Vũ và đặc biệt là cảng Nam Đình Vũ nằm ở vị trí rất thuận lợi, đủ điều kiện hình thành một trung tâm logistics lớn” – ông Nguyễn Thành Phương nói.

Minh chứng từ cảng Nam Đình Vũ cho thấy, hiện nay, doanh nghiệp (DN) đang có xu hướng đầu tư vào ngành logistics – một trong những ngành dịch vụ được đánh giá là có tiềm năng rất lớn ở nước ta. Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khẳng định, nếu cách đây vài năm chúng ta còn ít nghe tới câu chuyện logistics nhưng hiện nay, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm đến vấn đề này và đã thể hiện thành các văn bản pháp luật như Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Về hạ tầng logistics, kết cấu hạ tầng giao thông có những bước phát triển mạnh, với nhiều tuyến đường cao tốc, cầu lớn đã và đang được nâng cấp xây dựng, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với tiến trình mở cửa và hội nhập, lượng hàng hóa sản xuất, lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu những năm qua tăng trưởng mạnh mẽ, là tiền đề thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics.

“Trong thời gian qua, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh và mạnh với tốc độ phát triển lên đến 13 – 15%. Đây là một trong những ngành có tiềm năng rất lớn và có vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ các ngành kinh tế, các ngành sản xuất khác nhau và hoạt động thương mại xuất nhập khẩu” – ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN logistics Việt Nam (VLA) cho biết, theo báo cáo điều tra về chỉ số hoạt động logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng thế giới (WB) công bố, Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước điều tra, tăng 25 bậc so với xếp hạng 64 năm 2016 và vươn lên đứng thứ ba trong các nước ASEAN. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi WB thực hiện việc xếp hạng LPI kể từ năm 2007 đến nay.

“Hiện Việt Nam đang phấn đấu tiếp tục tăng lên 5 – 10 bậc, tức là ở thứ hạng 30, ngang bằng với các nước phát triển” – ông Nguyễn Tương nói và cho rằng, việc tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với những ưu đãi thuế quan sẽ thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và khi đó sản xuất sẽ tăng và tạo ra nguồn hàng lớn. Đây chính là cơ hội “vàng” cho ngành logistics Việt Nam tăng trưởng và ngược lại, logistics phát triển sẽ là đòn bẩy cho xuất nhập khẩu.

Cùng với sự đồng nhất về chính sách, ông Trần Thanh Hải chia sẻ, trong thời gian gần đây, hoạt động đầu tư, mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành dịch vụ logistics có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Những DN khổng lồ kho vận quốc tế, đặc biệt là ở châu Á, đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam như Shibusawa Warehouse, SG Holdings (Nhật Bản), Aeroport De Paris (Pháp) và DB Schenker (Đức)…

Không chỉ có Hải Phòng, tại Hà Nội cũng đã xuất hiện những trung tâm logistics hiện đại. Điển hình như Trung tâm logistics Hateco tại Khu Công nghiệp Sài Đồng, có diện tích gần 13 ha, áp dụng công nghệ 4.0. Đây là trung tâm logistics tích hợp, đặc biệt là trong ngành thương mại điện tử và chuyển phát nhanh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kêu gọi các DN có hàng hóa thông quan xuất nhập khẩu, có thể đưa hàng đến trung tâm thực hiện các dịch vụ hải quan tại đây.

Tháo gỡ điểm nghẽn
Tuy đã đạt được một số thành tựu nhưng ngành logistics hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn khi sự kết nối giữa cơ sở hạ tầng còn yếu. Bên cạnh đó, chi phí logistics trong lĩnh vực về vận chuyển còn khá cao. Chưa kể, đa số DN logistics là DN nhỏ và vừa, yếu về vốn, kinh nghiệm, kỹ năng quản trị. Chính vì vậy, các DN logistics Việt Nam còn thua thiệt trong cạnh tranh, cũng như chưa có điều kiện vươn ra thị trường quốc tế để cọ xát…

Để logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký VLA cho rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics của Chính phủ.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để phát triển ngành logistics, ngoài vấn đề về cơ chế chính sách, kết cấu hạ tầng, cần sự nỗ lực của các ngành, các cấp có liên quan, đặc biệt là các công ty cung cấp dịch vụ logistics trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ và giảm giá thành. Qua đó, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.

“Muốn giảm chi phí logistics, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà sản xuất, nhà xuất nhập khẩu và các công ty cung cấp dịch vụ logistics. Hơn nữa, phải nâng cao trình độ thông quan thông qua ứng dụng công nghệ mới và năng lực cán bộ làm công tác dịch vụ” – ông Nguyễn Tương bày tỏ.

Từ góc độ DN, ông Nguyễn Thành Phương nhận định, việc phát triển logistics là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới và hiện nay, tại Việt Nam, dư địa để phát triển ngành này rất lớn, bởi vì, hạ tầng logistics còn yếu và chi phí logistics cho lĩnh vực vận tải hàng hóa còn lớn. Do đó, DN có nhiều dư địa để đầu tư phát triển lĩnh vực này. Trong thời gian tới, để thúc đẩy ngành logistics, các địa phương nên đầu tư tích cực hơn nữa về hạ tầng để kết nối giữa các cảng và các trung tâm logistics; liên kết với các trường đào tạo có chuyên ngành về logistics và đặc biệt phải liên kết với các nhà đầu tư từ nước ngoài, chuyên nghiệp về logisctics để cung cấp cho DN các phần mềm quản trị, các quy trình quản lý…

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Nam Đình Vũ chia sẻ thêm, hiện nay, một trong những điểm khiến cho sức cạnh tranh của thị trường xuất khẩu Việt Nam là chi phí logistics tương đối lớn, do mất cân đối giữa các phương thức vận tải khác nhau. “Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu vấn đề quy hoạch, giảm áp lực cho đường bộ, tìm giải pháp về đường thủy nội địa, đường sắt để làm sao giảm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ logistics cũng như giảm thời gian hàng hóa lưu tại cảng, kho” – ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.