Ngày 22-11, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2019. Tham dự diễn đàn có ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; ông Trần Trọng Khoa – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và gần 300 các doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, logistics.
Diễn đàn Logistics Việt Nam là một sự kiện thường niên lớn nhất về ngành dịch vụ logistics. Qua 6 lần tổ chức, diễn đàn đã góp phần kiến tạo thành công một diễn đàn cấp quốc gia kết nối quốc tế; thể hiện mạnh mẽ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, địa phương hoạt động trong lĩnh vực logistics. Qua đó, góp phần thiết lập, củng cố và tăng cường mối liên kết giữa các bên liên quan nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển Logistics.
Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, với mục tiêu khơi thông dòng chảy logistics, diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2019 sẽ tiếp tục đề cập và bàn thảo những vấn đề chiến lược và thực tiễn của ngành logistics Việt Nam trong mối tương quan với bối cảnh kinh tế trong nước, quốc tế và trước xu hướng phát triển của công nghệ số.
Diễn đàn năm nay diễn ra với nhiều hoạt động như hội thảo chuyên đề logistics kết nối Hành lang kinh tế Đông Tây và kinh tế chia sẻ trong logistics; phiên hội nghị toàn thể với chủ đề logistics nâng cao giá trị nông sản; khảo sát các cảng và trung tâm logistics Chu Lai… Đặc biệt, tại phiên thảo luận những vấn đề chiến lược của ngành logistics Việt Nam trong mối tương quan với bối cảnh kinh tế toàn cầu, các chuyên gia đã chia sẻ những giải pháp pháp triển logistics trong hành lang kinh tế Đông Tây. Đây là một tuyến giao thông đường bộ dài 1.450 km, có cực Tây là thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar), đi qua Thái Lan, Lào và cực Đông là thành phố Đà Nẵng (Việt Nam).
Theo ông Marco Civardi, Giám đốc vùng Việt Nam – Lào – Campuchia – Myanmar (Tập đoàn Maersk), Việt Nam hiện là cửa ngõ chính của các nước trong hành lang kinh tế Đông Tây, là sự lựa chọn hàng đầu của các công ty quốc tế. “Hành lang kinh tế Đông Tây trở thành lối vào – ra Đông Nam Á cho Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc thông qua hành lang Đông Tây. Hơn 200 dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật với hơn 60 tỷ USD đầu tư trong khu vực cho thấy tiềm năng rất lớn cho hoạt động logistics”.
Do đó, để phát huy thế mạnh này, ông Marco Civardi cho rằng Việt Nam cần tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng và tính hiệu quả hơn; cải thiện toàn diện về chi phí, tốc độ và sự tin cậy của chuỗi cung ứng; đồng thời tiếp tục nâng cao tính minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hải quan điện tử.
Ông Dương Tiến Lâm, Tổng giám đốc Công ty tàu biển Asiatrans Vietnam cũng đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện tuyến đường EWEC 2: Tuyến đường Đà Nẵng – Nam Giang – Sekong – Champasak (Lào) – Vangtau – Ubon Ratchathani – Bangkok (Thái Lan). Theo ông Lâm, tuyến đường này sẽ tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa giữa Thái Lan, khu vực Nam Lào và miền Trung Việt Nam. Đặc biệt, Nam Lào có thế mạnh với các sản phẩm nông lâm nghiệp và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế biến; tuyến qua Nam Giang đến Đà Nẵng sẽ là hành trình ngắn nhất đưa sản phẩm từ Nam Lào đến cảng biển Đà Nẵng.
Tại diễn đàn, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp ngành logistics đã tập trung phân tích và đề xuất giải pháp phát triển logistics Hành lang kinh tế Đông Tây. Bởi lẽ hiện nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phát triển thiếu đồng bộ; kết nối các phương thức vận tải chưa hiệu quả; các trung tâm logistics đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế chưa được đầu tư xây dựng… dẫn đến chi phí logistics vẫn còn cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cầu đường tại các cửa khẩu biên giới, ứng dụng công nghệ số trong kiểm soát hàng hóa… các chuyên gia cũng cho rằng việc trao đổi những mô hình kinh tế chia sẻ trong logistics, tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản trị chuỗi cung ứng, thiết kế mạng lưới vận tải sẽ góp phần giảm chi phí logistics, tăng hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Từ đó, góp phần tăng cường kết nối đa phương, tạo nền tảng phát triển bền vững, nâng cao giá trị đóng góp của logistics trong thời gian tới.