Bị đánh giá là ngành chịu sức ép nhiều nhất khi EVFTA có hiệu lực nhưng nếu biết chắt chiu cơ hội, ngành logistics Việt Nam sẽ bước sang một dấu mốc phát triển cao hơn.
Hơn 3 năm trước, Công ty CP Giao nhận vận tải Con Ong (Bee Logistics) đã chuẩn bị những điều kiện để tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Cơ hội rất lớn
Nhận được thông tin EVFTA sắp có hiệu lực, chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Đinh Hữu Thạnh, Tổng Giám đốc Bee Logistics, vui mừng cho biết: “EVFTA có hiệu lực đồng nghĩa với việc lưu chuyển hàng hóa giữa EU và Việt Nam tăng lên, kéo theo nhu cầu của khách hàng về logistics nhiều hơn”.
“Chúng tôi cung cấp cho khách hàng các tư vấn để đáp ứng những điều kiện xuất nhập khẩu nhanh nhất. Đặc biệt, công ty còn giới thiệu khách hàng khi đối tác có nhu cầu tìm người mua – người bán, trong trường hợp 2 bên gặp nhau, chúng tôi sẽ đảm nhận khâu vận tải”, ông Thạnh cho biết.Theo ông, Bee Logistics làm với thị trường EU từ ngày mới thành lập nhưng để tận dụng EVFTA, DN đã có kế hoạch “chăm sóc” đặc biệt dành cho khách hàng EU.
Cùng với khâu dịch vụ, ông Thạnh cho biết thêm, công ty này gần như số hóa toàn bộ hoạt động logistics, phục vụ nhu cầu của khách hàng nhanh và chất lượng nhất.
Trong khi đó, ông Russell Reed, Giám đốc điều hành của UPS Việt Nam và Thái Lan, nhận định, EVFTA đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình trở thành cường quốc giao thương của Việt Nam, và là chìa khóa mở ra tiềm năng kinh tế lớn mạnh của đất nước trong những năm tới.
Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU có sự tăng trưởng nhất quán trong những năm qua, với tổng kim ngạch lên đến 42,3 tỷ USD vào năm 2018, đà tăng trưởng trung bình ở mức 13% kể từ 2014.
“Là nhà cung cấp dẫn đầu về các dịch vụ kho vận và vận chuyển toàn cầu, chúng tôi nhận thấy EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng của chúng tôi trong việc gia tăng nhập khẩu các mặt hàng chủ lực từ cả hai phía. Bên cạnh đó, giúp đơn giản hóa thủ tục và khuyến khích đầu tư bền vững dài hạn cũng như thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược”, ông Russell Reed đánh giá.
Theo UPS, Việt Nam vốn là nền công nghiệp chế biến chế tạo vô cùng cạnh tranh – một trong những nhân tố đóng góp chính vào tình hình tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đi kèm với sự tăng trưởng kinh tế cũng là sự mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu – với nhóm người tiêu dùng hướng đến hòa nhập quốc tế và đặc biệt ưa chuộng mua hàng từ các thương hiệu quốc tế nhập khẩu, trong đó có EU.
Cùng lúc đó, một khối lượng hàng nhất định Việt Nam xuất khẩu đến EU vẫn đang được duy trì. Do đó, UPS đã tăng cường cải tiến dịch vụ trong mạng lưới các giải pháp của mình để giúp các DN Việt Nam, đặc biệt trong ngành công nghiệp bán lẻ và công nghệ cao, giữ vững lợi thế cạnh tranh của mình.
“Năm vừa rồi, UPS đã rút ngắn thời gian vận chuyển trên 2.300 lộ trình thương mại. Điều này kết hợp với các cải tiến khác giúp các chuyến hàng đến EU được vận chuyển nhanh hơn đến 4 ngày. Chúng tôi cũng đã mở rộng độ tiếp cận của dịch vụ UPS Worldwide Express Freight đến khách hàng ở nhiều tỉnh thành Việt Nam, cung cấp dịch vụ bảo đảm, giao hàng tận nơi các lô hàng đóng pallet cho các đơn vị xuất khẩu”, ông Russell Reed cho biết.
Nhưng sẽ bằng không nếu chậm chân
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, nhấn mạnh EVFTA là cơ hội để ngành logistics phát triển sau đại dịch Covid-19. Để nắm bắt thời cơ này, mấy năm nay, các thành viên trong hiệp hội đã không ngừng mở rộng quan hệ với đối tác ở EU như Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan…
Đón đầu EVFTA, nhiều DN đã chú trọng phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Khi thương mại và đầu tư phát triển, dịch vụ logistics Việt Nam chắc chắn sẽ “cất cánh”.
Cơ hội mà EVFTA đem tới cho ngành logistics là rất lớn nhưng không có nghĩa là dành cho mọi DN, bởi cơ hội luôn song hành cùng thách thức.
Theo ông Đinh Hữu Thạnh, DN Việt Nam nhìn thấy cơ hội, các DN châu Âu họ cũng sẽ nhìn thấy điều này. “EVFTA chưa đi vào thực thi, các DN châu Âu đã vào Việt Nam rất nhiều, nếu không có chiến lược phát triển bài bản, chắc chắn DN Việt sẽ mất ngay miếng bánh thị phần trên sân nhà”, ông Thạnh lo ngại.
Đặc biệt, ngành logistics Việt Nam vẫn còn non trẻ, theo đánh giá của ông Thạnh, điểm yếu của đa phần DN Việt là thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, chất lượng dịch vụ chưa tốt.
Ông Thạnh chia sẻ: “Đôi khi một số DN vẫn giữ tư duy làm ăn chụp giật, lấy giá cả làm công cụ cạnh tranh. Tuy nhiên, với khách hàng sử dụng dịch vụ logistics, điều họ cần là chất lượng, độ tin cậy, chuỗi cung ứng ổn định hơn là lợi thế về giá”.
Ông Nguyễn Tương lo ngại, các nước châu Âu có trình độ logistics cao hơn Việt Nam. Vì thế, DN Việt Nam khó giành được đơn hàng, nhất là khi nhà sản xuất, đầu tư quốc tế có mối liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ logistics ở EU, còn DN xuất khẩu Việt Nam chủ yếu xuất theo phương thức FOB. Nếu mình không biết chắt chiu cơ hội, DN Việt sẽ không giành được lợi thế.
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), EU vốn rất mạnh về logistics, với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại, chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới. Trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, Đức đứng vị trí đầu tiên, các nước EU chiếm 4 trong tốp 5 vị trí đầu bảng (Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ).
Hiện, nhiều DN logistics mạnh của EU đã có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam dù mức mở cửa của Việt Nam trong logistics còn hạn chế. Sau EVFTA, với các cam kết mở cửa mạnh hơn, cạnh tranh từ các DN này với DN Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa.
Trước thực tế nhiều doanh nghiệp còn mù mờ thông tin, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đề nghị, Chính phủ có nhiều biện pháp hỗ trợ thông tin, giải đáp những lợi ích về cơ hội và thách thức cho các DN logistics, thay vì tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn chung chung.
“Để tận dụng ưu đãi thuế quan từ thị trường EU, các ngành hàng Việt Nam phải cần đáp ứng quy tắc xuất xứ, nếu không mọi cơ hội đều bằng không”, ông Tương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các văn bản pháp luật liên quan để EVFTA sớm được thực thi khi được Quốc hội thông qua.
Ở góc độ DN, đại diện Bee Logistics mong muốn Chính phủ hỗ trợ DN bằng cách thúc đẩy mạnh phong trào người Việt dùng hàng Việt, khi đấu thầu dự án công cần khuyến khích DN logistics trong nước tham gia, thay vì lựa chọn DN nước ngoài hoặc DN FDI tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, khuyến cáo các DN cần nắm rõ các cam kết mở cửa dịch vụ logistics của EVFTA để nhận diện các nguy cơ mới trong cạnh tranh với các đối thủ từ EU trên thị trường logistics Việt Nam hay các cơ hội hợp tác với các đối tác EU.
Đồng thời, có kế hoạch bài bản, hành động quyết liệt trong nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp, bài bản trong cung cấp dịch vụ, chăm sóc khách hàng.
Cùng với đó, Nhà nước cần và nên triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics phục vụ vận chuyển hàng hóa, tiếp tục rà soát cắt giảm chi phí logistics bất hợp lý.